Theo đó, mục đích kiểm tra, giám sát để đánh giá đúng tình hình công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về công tác TĐKT trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó phát huy những ưu điểm, tiến bộ, kịp thời phát hiện yếu kém để chấn chỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác TĐKT; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc đổi mới tổ chức các phong trào thi đua (PTTĐ) và thực hiện chính sách khen thưởng tại các cơ quan, địa phương, đơn vị trong tỉnh góp phần thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2019 đã đề ra; qua đó đưa công tác kiểm tra, giám sát thực hiện công tác TĐKT của tỉnh và các cơ quan, địa phương, đơn vị vào nề nếp, trở thành công tác thường xuyên của các ngành, các cấp. Yêu cầu của việc kiểm tra, giám sát đối với Đoàn Kiểm tra là thực hiện đúng nội dung, thời gian nêu trong kế hoạch, báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát về UBND tỉnh; quá trình kiểm tra, giám sát không gây trở ngại đến các hoạt động bình thường của các cơ quan, địa phương, đơn vị; đối với đơn vị được kiểm tra, giám sát là báo cáo đầy đủ nội dung và đúng thời gian theo yêu cầu của Đoàn Kiểm tra, giám sát; thực hiện nghiêm túc kết luận kiểm tra, kết quả giám sát.
Kiểm tra công tác TĐKT tại Sở TTTT năm 2018. Ảnh: Hoàng Duy
Nội dung kiểm tra tập trung vào việc chấp hành quy định pháp luật về công tác TĐKT: Công tác chỉ đạo, điều hành công tác TĐKT (triển khai thực hiện và xây dựng các văn bản nhằm cụ thể các quy định của pháp luật về TĐKT tại cơ quan, địa phương, đơn vị…); việc tổ chức thực hiện các PTTĐ (kế hoạch phát động, đăng ký thi đua) tại cơ quan, địa phương, đơn vị: PTTĐ thực hiện nhiệm vụ được giao (đối với cơ quan, tổ chức), PTTĐ thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (đối với địa phương); PTTĐ “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Chung tay vì người nghèo và công tác từ thiện xã hội”, thi đua “Doanh nghiệp Kiên Giang hội nhập và phát triển” do UBND tỉnh phát động và các PTTĐ theo chuyên đề hoặc theo đợt phù hợp thẩm quyền; công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến; công tác thẩm định, giải quyết hồ sơ kháng chiến còn tồn đọng tại địa phương (đối với các huyện, thành phố); quy trình, hồ sơ thủ tục xét khen thưởng, công tác lưu trữ hồ sơ, tài liệu về TĐKT theo quy định; việc bố trí cán bộ làm công tác TĐKT; việc thực hiện quy trình nghiệp vụ thẩm định hồ sơ trình khen thưởng; hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng, Hội đồng xét sáng kiến cơ sở; việc thực hiện lập và sử dụng quỹ TĐKT; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về TĐKT; việc chấp hành quy định về mẫu bằng, giấy khen, khung…. Mốc thời gian báo cáo kiểm tra từ ngày 01/01/2019 đến thời điểm kiểm tra (riêng kết quả khen thưởng thực hiện nhiệm vụ được giao tính năm 2018); thời gian kiểm tra trực tiếp trong quí III năm 2019.
Đối tượng kiểm tra toàn diện và trực tiếp gồm: Sở Tư pháp, Sở Y tế, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Trường Cao đẳng Kiên Giang, Công ty Cổ phần Thương mại Kiên Giang. Các huyện: Kiên Lương, Phú Quốc và thành phố Rạch Giá, mỗi huyện, thành phố được kiểm tra chọn 02 đơn vị cấp xã để Đoàn Kiểm tra trực tiếp kiểm tra. Các cơ quan, địa phương, đơn vị còn lại thực hiện tự kiểm tra và báo cáo UBND tỉnh theo quy định. Đối tượng, nội dung và thời gian giám sát công tác TĐKT sẽ do Thường trực Hội đồng TĐKT tỉnh thực hiện. UBND tỉnh giao Sở Nội vụ (Ban TĐKT) tham mưu UBND tỉnh thành lập Đoàn Kiểm tra, tham mưu Thường trực Hội đồng TĐKT kế hoạch và thành lập Đoàn Giám sát công tác TĐKT, theo dõi việc thực hiện kết luận kiểm tra và thông báo kết quả giám sát công tác TĐKT và tổng hợp báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện Kế hoạch này./.