TIN NỔI BẬT:

Cổng thông tin điện tử Sở Nội vụ

Công tác văn thư lưu trữ

Xem với cỡ chữAA

Lưu trữ lịch sử tỉnh Kiên Giang luôn nỗ lực bảo quản tài liệu lưu trữ để giữ gìn giá trị lịch sử cho thế hệ mai sau

(19:43 | 12/04/2025)

Tài liệu lưu trữ là một phần quan trọng trong việc gìn giữ ký ức lịch sử, phản ánh quá trình về lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và chính trị của một địa phương. Với tỉnh Kiên Giang, là một trong những tỉnh có bề dày lịch sử phát triển gắn liền với sự hình thành và mở rộng vùng đất phương Nam. Vì vậy, việc bảo quản và tu bổ phục chế tài liệu không chỉ mang ý nghĩa giữ gìn những giá trị thật của tài liệu lưu trữ mà còn là phát huy những thông tin nội dung trong tài liệu đến độc giả được biết, tìm hiểu. Thực hiện Kế hoạch số 123/KH-UBND, ngày 20/8/2020 của UBND tỉnh Kiên Giang về tu bổ tài liệu lưu trữ tại Lưu trữ lịch sử tỉnh, giai đoạn 2021-2024, Sở Nội vụ đã chỉ đạo Trung tâm Lưu trữ lịch sử triển khai kịp thời các biện pháp, quy trình, thủ tục, xử lý nghiệp vụ lưu trữ nhằm bảo vệ những tài liệu có giá trị lịch sử, vốn đang bị xuống cấp do thời gian và điều kiện bảo quản chưa tối ưu. Công tác tu bổ tài liệu không chỉ giúp kéo dài tuổi thọ của tài liệu mà còn đảm bảo phục vụ hiệu quả công tác nghiên cứu, tra cứu thông tin, hỗ trợ công tác quản lý hành chính và phát huy giá trị lịch sử của tỉnh. Những hồ sơ, tài liệu được tu bổ trong giai đoạn này chủ yếu thuộc các phông lưu trữ quan trọng như Tòa Hành chánh, UBND tỉnh, các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố.

(Hình ảnh các phông lưu trữ tu bổ được bảo quản tại Kho lưu trữ)

          Trong suốt bốn năm triển khai thực hiện công tác tu bổ tài liệu lưu trữ tại Lưu trữ lịch sử tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Theo báo cáo của Sở Nội vụ, từ năm 2021 đến năm 2024, tổng cộng 58 phông lưu trữ đã được tu bổ phục chế, trong đó có 37 phông cấp tỉnh, 11 phông cấp huyện, 2 phông thuộc Công ty nhà nước và 8 phông của các đơn vị đã giải thể. Với quyết tâm bảo quản tốt những tài liệu có giá trị lịch sử của tỉnh trong công tác tu bổ phục chế tài liệu lưu trữ, đã thực hiện được 216.143 trang tài liệu, hoàn thành 98,27% kế hoạch đề ra. Các tài liệu được tu bổ phục chế chủ yếu thuộc khổ giấy A4-1 mặt, tiếp theo là A4-2 mặt, A3, A1 và A0, đảm bảo các quy trình kỹ thuật, giữ nguyên cấu trúc và nội dung văn bản gốc, giúp khôi phục tối đa tính nguyên vẹn của hồ sơ lưu trữ, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị lịch sử lâu dài.

(Hình ảnh một số tài liệu bị xuống cấp trước khi tu bổ)

(Hình ảnh một số tài liệu bị xuống cấp trước khi tu bổ)

(Hình ảnh tài liệu bị rách trước khi tu bổ)

(Hình ảnh tài liệu sau khi được tu bổ)

          (Hình ảnh tài liệu sau khi được tu bổ)

Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, công tác tu bổ tài liệu lưu trữ tại Lưu trữ lịch sử tỉnh Kiên Giang vẫn gặp không ít khó khăn. Thực tế cho thấy, nhiều tài liệu bị hư hỏng nặng do thời gian bảo quản kéo dài, một số phông lưu trữ chưa được chỉnh lý hoàn chỉnh, dẫn đến mất rất nhiều thời gian trong việc xác định nội dung cần tu bổ phục chế. Đặc biệt, nhiều hộp bảo quản tài liệu đã xuống cấp, kích thước một số hộp không phù hợp với các loại tài liệu khổ lớn, gây ảnh hưởng đến chất lượng bảo quản lâu dài. Ngoài ra, việc sử dụng điện để vận hành các thiết bị bảo quản tài liệu như hệ thống máy lạnh trung tâm, máy hút ẩm, quạt thông gió hiện chỉ được duy trì trong giờ hành chính do hạn chế về kinh phí. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tuổi thọ của tài liệu, làm tăng nguy cơ xuống cấp nhanh chóng.

(Hình ảnh Kho lưu trữ tài liệu tại Lưu trữ lịch sử tỉnh)

Để khắc phục những thách thức còn tồn tại và nâng cao chất lượng bảo quản tài liệu lưu trữ, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tiếp tục tham mưu Sở Nội vụ để xây dựng kế hoạch thực hiện tu bổ tài liệu cho giai đoạn tiếp theo. Trước hết, việc tiếp tục triển khai tu bổ các phông lưu trữ chưa hoàn chỉnh là ưu tiên hàng đầu, đặc biệt với những tài liệu có giá trị cao về lịch sử, pháp lý và khoa học. Song song đó, việc bổ sung kinh phí để mua sắm hộp bảo quản thay thế các hộp cũ, hư hỏng và thiết kế thêm kệ đối với tài liệu lưu trữ khổ lớn theo thực tế tình hình của tài liệu là rất cần thiết, nhằm đảm bảo các điều kiện để bảo quản tối ưu cho tài liệu và bổ sung kinh phí cho việc đảm bảo nguồn điện vận hành các trang thiết bị 24/24 giờ để ổn định nhiệt độ, độ ẩm, kéo dài tuổi thọ tài liệu. Bên cạnh đó, sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan để tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tài liệu lưu trữ, nhằm bảo vệ và giữ gìn giá trị tài liệu lưu trữ của địa phương cho ngày nay và mai sau./.

Tin và ảnh: Mỹ Tiên-TTLTLS