TIN NỔI BẬT:

Cổng thông tin điện tử Sở Nội vụ

Xây dựng chính quyền

Xem với cỡ chữAA

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh gặp gỡ, đối thoại với thanh niên tỉnh Kiên Giang năm 2024

(08:09 | 27/03/2024)

Căn cứ Luật Thanh niên; Nghị định số 13/2021/NĐ-CP  ngày 01/3/2021 của Chính phủ quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm với thanh niên ít nhất mỗi năm một lần về các vấn đề liên quan đến thanh niên.

Ngày 01/02/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 34/KH-UBND tỉnh đối thoại với thanh niên tỉnh Kiên Giang năm 2024. Kết thúc thời gian 30 ngày đăng tải trên Công thông tin điện tử tỉnh theo quy định, Tỉnh đoàn đã tiếp nhận được 77 câu hỏi của lực lượng đoàn viên, thanh niên, sau đó Sở Nội vụ phối hợp với Tỉnh đoàn thống nhất biên tập thành 21 câu hỏi để thanh niên tham gia ý kiến, kiến nghị tại buổi đối thoại, tiêu biểu gồm 5 nhóm lĩnh vực: Kinh tế và khởi nghiệp - lập nghiệp; Đào tạo - việc làm; Khoa học-Công nghệ; Giáo dục, Văn hóa - Du lịch của các đơn vị đặt câu hỏi: Châu Thành, Giang Thành, Rạch Giá, An Minh, Vĩnh Thuận, Phú Quốc, Kiên Lương, Trường Đại học Kiên Giang, Đoàn khối các cơ quan – Doanh nghiệp tỉnh, An Biên, Hà Tiên, Trường Cao đẳng Nghề Kiên Giang, Giồng Riềng, Trường Cao đẳng Sư phạm Kiên Giang, Tân Hiệp, Rạch Giá, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, Trường Cao đẳng Kiên Giang, Gò Quao, Hòn Đất.

Ông Lâm Minh Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (thứ 3 từ trái sang) Chủ trì Hội nghị

 

Sau thời gian chuẩn bị, chiều ngày 22/3/2024 tại Hội trường A của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang long trọng tổ chức Hội nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh gặp gỡ, đối thoại với thanh niên trên địa bàn tỉnh Kiên Giang năm 2024. Tham dự Hội nghị có ông Đồng chí Lâm Minh Thành – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh dự và chủ trì hội nghị. Tham dự còn có ông Phan Đình Nhân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Bí thư Tỉnh đoàn, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Kiên Giang và cùng các Lãnh đạo các các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, các đơn vị liên quan cùng 50 thanh niên tiêu biểu đại diện cho thanh niên tỉnh Kiên Giang tham dự.

Hội nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh gặp gỡ, đối thoại với thanh niên trên địa bàn tỉnh Kiên Giang năm 2024, nhằm phát huy những kết quả đạt được và chưa được nêu lên những vấn đề chưa làm được trong Hội nghị đối thoại năm 2023, qua đó đưa ra phương hướng, giải pháp khắc phục trong năm 2024, bên cạnh đó, còn thể hiện sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân của các huyện, thành phố với cán bộ đoàn, thanh niên, tạo điều kiện để thanh niên tỉnh nhà được bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng của mình và những khó khăn, vướng mắc trong các vấn đề hiện nay, cũng như đề xuất những ý kiến, kiến nghị của mình liên quan đến việc thực hiện các chủ trương, chính sách của tỉnh về công tác chăm lo, phát triển thanh niên trên địa bàn tỉnh Kiên Giang trong gian đoạn hiện nay và trong thời gian tới.

Sau khi Luật Thanh niên có hiệu lực, đây là năm thứ Ba tỉnh đã tổ chức thành công Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đối thoại với thanh niên. Đây cũng là dịp để lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh lắng nghe ý kiến và chia sẻ tâm tư, nguyện vọng những khó khăn của thanh niên liên quan đến các đề về kinh tế và khởi nghiệp - lập nghiệp; Đào tạo - việc làm; Khoa học - Công nghệ; Giáo dục; Văn hóa - Du lịch. Bên cạnh đó, đề xuất các ý kiến, kiến nghị với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh để kịp thời, có hướng hỗ trợ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác quản lý nhà nước về thanh niên trên địa bàn tỉnh Kiên Giang trong thời gian qua. Hội nghị đã diễn ra trong không khí vui tươi, cởi mở, thẳng thắn với những nội dung được thanh niên quan tâm trên các lĩnh vực môi trường, kinh tế, văn hóa, xã hội…

 

 

Trong thời gian Hội nghị, câu hỏi lần lược được các thanh niên đặt ra cụ thể như sau:

1. Câu hỏi đầu tiên được thanh niên tại đơn vị huyện Vĩnh Thuân: Hiện nay một số hợp tác xã, tổ hợp tác thanh niên và các mô hình kinh tế khác của thanh niên có nhu cầu về vốn để phát triển, mở rộng kinh doanh, nhưng thanh niên gặp khó khăn khi không có tài sản thế chấp theo quy định của ngân hàng để có đủ điều kiện vay thêm vốn mặc dù phương án kinh doanh hợp lý và có thể được phê duyệt. Thời gian tới UBND tỉnh có chính sách hoặc chương trình gì hỗ trợ thanh niên hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp; hỗ trợ tạo điều kiện cho thanh niên có thể vay thêm vốn mà không cần tài sản thế chấp?

 2. Thanh niên huyện Châu Thành: Thời gian qua, ngành đánh bắt thủy hải sản của tỉnh Kiên Giang gặp rất nhiều khó khăn do suy giảm nguồn lợi hải sản trên biển, đồng thời ảnh hưởng bởi “thẻ vàng” của Châu Âu về vấn đề khai thác IUU đối với hải sản của Việt Nam nói chung và Kiên Giang nói riêng. Tỉnh cũng đã có định hướng chuyển dịch cơ cấu ngành nghề trong thời gian tới từ khai thác sang đẩy mạnh nuôi trồng thủy hải sản cho phù hợp. Để thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu này, cần chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu. Sắp tới, tỉnh có những định hướng gì về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho quá trình chuyển đổi này?

3. Thanh niên huyện Giang Thành: Giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng của địa phương trong trường học không chỉ giúp học sinh hiểu hơn về những giá trị tốt đẹp của cha ông để lại mà còn vun đắp tình yêu quê hương, khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho các em học sinh. Ngành giáo dục có những định hướng và giải pháp cụ thể nào để tăng cường công tác giáo dục lịch sử địa phương tại các trường tiểu học?

4. Thanh niên thành phố Rạch Giá: Hiện nay việc thành lập các tuyến phố đi bộ là xu hướng khá phổ biến ở các đô thị. Một mặt, mô hình này đáp ứng nhu cầu về thương mại và du lịch của địa phương, mặt khác đó cũng là minh chứng cho sự phát triển về đời sống của cư dân đô thị, khi có thêm những không gian công cộng làm nơi vui chơi và thư giãn. Sắp tới, Thành phố Rạch Giá có định hướng hay quy hoạch, kế hoạch gì để phát triển không gian phố đi bộ của thành phố hay không? Định hướng của thành phố về phát triển các không gian văn hóa, giải trí công cộng, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh của thanh thiếu nhi như thế nào?

5. Thanh niên huyện An Minh: Hiện nay chuyển đổi số đang hướng tới nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên hiện nay, thực trạng người dân chưa có hoặc chưa sử dụng tài khoản Ngân hàng, ví điện tử để có thể thực hiện thanh toán. Trong thời gian tới, để thúc đẩy người dân chuyển đổi từ phương thức tiền mặt, sang không dùng tiền mặt, Ủy ban nhân dân tỉnh và các ngành chức năng có định hướng và giải pháp như thế nào trong vấn đề này?

6. Thanh niên huyện Vĩnh Thuận: Hiện nay, với nhiều chủ trương, chính sách cải thiện môi trường làm việc và thu nhập đối với cán bộ, công chức, viên chức, các vị trí việc làm ở khu vực công ngày càng thu hút sự quan tâm và ứng tuyển của lao động trẻ, đoàn viên thanh niên sau khi tốt nghiệp đại học. Lãnh đạo tỉnh có thể cho biết nhu cầu nguồn nhân lực cũng như định hướng phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao trong các cơ quan đảng, đoàn thể, các cơ quan hành chính sự nghiệp của tỉnh trong thời gian tới?

7. Thanh niên Trường Đại học Kiên Giang: Bảo tàng và Thư viện là các địa điểm sinh hoạt văn hóa và giải trí quan trọng của thành phố. Tuy nhiên, thời gian qua, các không gian này tại Thành phố Rạch Giá chưa thu hút được đông đảo thanh niên, học sinh và người dân đến tham quan, tìm hiểu và sử dụng dịch vụ, do đó chưa phát huy được hết tiềm năng khai thác dịch vụ. Một phần là vì chưa có nhiều các chương trình, sự kiện văn hóa, giải trí hấp dẫn được tổ chức tại đây và công tác truyền thông, quảng bá giới thiệu các địa điểm này cũng chưa được rộng rãi. Thời gian tới, ngành Văn hóa có những định hướng và giải pháp gì để có thể khai thác tốt và phát huy giá trị của Bảo tàng và Thư viện tỉnh?

8. Thanh niên huyện Kiên Lương: Với nhiều kiểu ngụy trang, dễ sử dụng, dễ mua, ma túy tổng hợp đang tìm cách chui sâu vào học đường và trẻ hóa đối tượng sử dụng gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong phát hiện, ngăn chặn, gây hệ lụy nặng nề cho xã hội. Tỉnh có các định hướng và giải pháp hiệu quả nào để đấu tranh với vấn nạn ma túy trong học đường?

9. Thanh niên Đoàn các cơ quan - doanh nghiệp tỉnh: Tại tọa đàm “Tắt sóng 2G đưa người dân lên môi trường số” do Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam (ICT Press Club) phối hợp với Bộ Thông tin & Truyền thông tổ chức vào cuối năm 2023, chủ trương của Bộ sẽ thực hiện tắt sóng 2G để thúc đẩy thực hiện mục tiêu chương trình chuyển đổi số quốc gia và đây được xem là cuộc cách mạng để thúc đẩy chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số,… đảm bảo người dân có thể tiếp cận được các dịch vụ hành chính công trên môi trường hiện đại, với tốc độ cao. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang vẫn còn một lượng người dân sử dụng dịch vụ di động đặc biệt là đối tượng Đoàn viên thanh niên ở các khu vực vùng sâu, vùng xa có khả năng tiếp cận thông tin thấp và rào cản về thu nhập khi phải bỏ tiền để thay thế thiết bị. Bên cạnh những động thái của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn tỉnh phải thực hiện lộ trình tắt sóng 2G, Ủy ban nhân dân tỉnh và các Sở, ban ngành có liên quan có những định hướng cũng như các chính sách gì để hỗ trợ thanh niên trong việc tiếp cận thông tin và thay đổi thiết bị để đáp ứng được chủ trương của Bộ Thông tin và Truyền thông?

10. Thanh niên huyện An Biên: Ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, đang thể hiện vai trò ngày càng quan trọng trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của các địa phương. Tiếng Anh được xem như là ngôn ngữ cầu nối để tiếp cận kiến thức mới và hợp tác, giao lưu quốc tế. Tuy nhiên, việc đào tạo tiếng Anh ở các cấp học từ Tiểu học đến THPT hiện nay chưa thực sự hiệu quả, học sinh học chương trình tiếng Anh 7 năm (từ lớp 6-12) phần lớn chưa thể sử dụng để giao tiếp được. Tỉnh có những chương trình, đề án gì để nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho đoàn viên thanh niên, đặc biệt là khi còn ở trên ghế nhà trường, bởi đây là độ tuổi thích hợp nhất để tiếp cận và học ngoại ngữ?

11. Trường Cao đẳng Nghề Kiên Giang: Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề liên kết đào tạo giữa các trường đại học, cao đẳng, cao đẳng – trung cấp nghề và doanh nghiệp đang là một xu thế phù hợp, có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng sản phẩm đào tạo của nhà trường, đồng thời đáp ứng tốt nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng đầu vào của doanh nghiệp. Tỉnh ta có những định hướng hoặc giải pháp nào để tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả hợp tác đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp, để qua đó tạo điều kiện cho sinh viên, học viên đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tế của thị trường lao động và gia tăng cơ hội nghề nghiệp?

Ông Nguyễn Hoàng Thông, Giám đốc Sở Nội vụ trả lời kiến nghị của thanh niên đơn vị huyện Vĩnh Thuận

Sau phần đặt vấn đề câu hỏi đầu tiên của thanh niên đơn vị huyện Vĩnh Thuận, đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã phân công đơn vị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Kiên Giang trả lời kiến nghị; câu thứ 2 giao cho đơn vị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, câu thứ 3 giao đơn vị Sở Giáo dục và Đào tạo, câu số 4 giao đơn vị Sở Du lịch, câu thứ 5 tiếp tục giao Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Kiên Giang, câu thứ 6 giao đơn vị Sở Nội vụ, câu thứ 7 giao đơn vị Sở Văn hóa và Thể thao, câu thứ 8 giao đơn vị Công an tỉnh, câu thứ 9 giao đơn vị Sở Thông tin và Truyền thông, câu thứ 10 giáo đơn vị Sở Giáo dục và Đào tạo, câu thứ 11 giao cho đơn vị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các ý kiến, kiến nghị còn lại của thanh niên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao Giám đốc (Thủ trưởng) các sở, ban, ngành có liên quan trả lời bằng văn bản các ý kiến của thanh niên. Đối với những nội dung không thuộc thẩm quyền thì ghi nhận và gửi các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Nghị định số 13/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021 của Chính phủ quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Đây là năm thứ Ba Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với thanh niên trên địa bàn tỉnh Kiên Giang năm 2024 theo Luật Thanh niên; Nghị định số 13 ngày 01/3/2021 của Chính phủ, cũng là dịp để lãnh đạo tỉnh lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng và các hoài bão, mong muốn của mình để mạnh dạn bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của thanh niên trong năm qua, cũng như đưa ra những sáng kiến, đề xuất các giải pháp hay, những ý tưởng sáng tạo của thanh niên tỉnh nhà đối với sự phát triển của tỉnh Kiên Giang nói riêng và của đất nước nói chung.

Kết thúc Hội nghị đối thoại, một lần nữa Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Giám đốc (Thủ trưởng) các sở, ban, ngành có liên quan sớm hoàn chỉnh các nội dung đã trả lời tại Hội nghị, các ý kiến chưa trả lời tại Hội nghị, tỉnh sẽ đưa vào nội dung thông báo kết luận đối thoại sẽ công khai trên công khai trên công thông tin điện tử đúng theo quy định. Hội nghị đã diễn ra thành công tốt đẹp./.

Thái Văn Mẻ