Ông Mai Văn Huỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Hội đồng Khoa học, sáng kiến tỉnh đã xem xét 218 hồ sơ với 221 sáng kiến (có 3 cá nhân với 6 sáng kiến) do Ban Thi đua- Khen thưởng tỉnh thẩm định trình, kết quả bỏ phiếu kín có 78 hồ sơ với 80 sáng kiến (chiếm 35,78% so với tổng số hồ sơ và 36,2% so với tổng số sáng kiến) được Hội đồng công nhận đạt sáng kiến cấp tỉnh. Hội đồng cũng xem xét và đánh giá mức độ ảnh hưởng trong phạm vi toàn quốc đối với 01 sáng kiến đã được công nhận năm 2010 làm cơ sở đề nghị Hội đồng Thi đua- Khen thưởng tỉnh xét đề nghị tặng thưởng Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
Các sáng kiến vừa được xét công nhận nêu trên thuộc nhiều lĩnh vực công tác của các ngành, các cấp đóng góp cho sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Có thể chia ra một số lĩnh vực chủ yếu sau: Sáng kiến thuộc các cơ quan quản lý Nhà nước cấp tỉnh có 25 sáng kiến chiếm 31,25%; sáng kiến thuộc các cơ quan quản lý Nhà nước cấp huyện có 16 sáng kiến chiếm 20%; sáng kiến thuộc các cơ quan đảng, đoàn thể cấp tỉnh có 7 sáng kiến chiếm 8,75%, cấp huyện có 18 sáng kiến chiếm 22,5%; sáng kiến của cá nhân trong các doanh nghiệp thuộc khối thi đua của tỉnh có 14 sáng kiến của công nhân, người lao động và lãnh đạo, quản lý chiếm 17,5%. Năm nay, ngành Y tế toàn tỉnh chỉ có 8 sáng kiến cấp tỉnh, chiếm 10% so với tổng số sáng kiến được công nhận, năm nay chưa xuất hiện các sáng kiến của nông dân, ngư dân.
Về chất lượng sáng kiến, hầu hết các sáng kiến được xét kỳ này có chất lượng ở mức trung bình, một vài sáng kiến có những điểm mới sáng tạo được Hội đồng quan tâm như sáng kiến “Giải pháp xây dựng mô hình mạng tập trung của Tỉnh ủy” của ông Phạm Hoàng Trung, Phó Trưởng phòng Công nghệ thông tin - Cơ yếu, Văn phòng Tỉnh ủy, đã đem lại hiệu quả cao như với 9 đơn vị triển khai, toàn mạng giảm được 13 máy chủ, 8 bộ lưu điện và 5 bộ định tuyến; so với trước khi áp dụng giải pháp, số thiết bị ít hơn nên công tác quản lý, vận hành rất thuận lợi, tiết kiệm được chi phí sửa chữa, đầu tư mới, giảm đáng kể lượng điện tiêu thụ cho các thiết bị trên hoạt động trong 24 giờ/7 ngày. Sáng kiến “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, nâng cao thu nhập của cán bộ làm công tác kiêm nhiệm ở ấp” của ông Giang Văn Phục, Bí thư Huyện ủy huyện U Minh Thượng bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực, cụ thể đã giảm được 50 cán bộ không chuyên trách ở ấp do thực hiện kiêm nhiệm 5/11 chức danh ấp, thu nhập của cán bộ kiêm nhiệm ở ấp tăng lên; nếu sáng kiến này được phổ biến toàn tỉnh đều áp dụng thì với hơn 970 ấp hiện nay, chúng ta sẽ tiết giảm được một lượng lớn cán bộ không chuyên trách ở ấp.
Tuy nhiên, xét tổng thể hơn 220 sáng kiến đề nghị công nhận cấp tỉnh cho thấy các hạn chế, sai lầm đã mắc phải các năm trước hầu như không được cải thiện nhiều, cụ thể: Thứ nhất, không có tên sáng kiến, không phân biệt được các loại sáng kiến như quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 4 Nghị định 65/2014/NĐ-CP của Chính phủ (Sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác), nêu sai tên sáng kiến. Thứ hai, tên sáng kiến 1 hướng còn nội dung sáng kiến lại viết hướng khác, tên sáng kiến ở phạm vi rộng nhưng viết ở phạm vi hẹp. Thứ ba, sáng kiến viết không theo đề cương hướng dẫn của UBND tỉnh tại Hướng dẫn số 1236/HD-UBND ngày 12/11/2014. Thứ tư, phần hạn chế trong báo cáo sáng kiến nêu quá nhiều nguyên nhân nhưng giải pháp không giải quyết được nguyên nhân đã nêu ra. Thứ năm, không nêu được tính mới và sáng tạo của giải pháp, nhiều báo cáo sáng kiến nhưng các giải pháp là các quy định, quy trình, tiêu chuẩn đã được cấp có thẩm quyền ban hành bắt buộc phải thực hiện; một số báo cáo vẫn trình bày kinh nghiệm trong công tác và quản lý. Thứ sáu, sao chép nội dung giải pháp của người khác, nên không phù hợp với nhiệm vụ được giao. Thứ bảy, không trình bày được hiệu quả và không có số liệu so sánh trước và sau khi áp dụng sáng kiến; có trường hợp kết quả nêu không trung thực, mâu thuẫn (giữa báo cáo thành tích với báo cáo sáng kiến số liệu không khớp nhau). Thứ tám, đề tài nghiên cứu cấp cơ sở, chưa có đăng ký đề tài cấp tỉnh theo quy định nhưng lại đề nghị Hội đồng Khoa học, sáng kiến tỉnh công nhận. Thứ chín, một sáng kiến nhưng đưa ra công nhận nhiều lần (quy định sáng kiến đã được công nhận rồi thì không được đề nghị công nhận lại). Thứ mười, tên sáng kiến đề nghị Hội đồng Khoa học, sáng kiến tỉnh công nhận phải là sáng kiến đã được cấp cơ sở công nhận trong khoảng thời gian (03 năm) đề nghị công nhận Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh cấp tỉnh.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2012/NĐ-CP ngày 02/3/2012 ban hành Điều lệ Sáng kiến, Nghị định số 65/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013, UBND tỉnh đã ban hành Hướng dẫn số 1236/HD-UBND ngày 12/11/2014. Vì vậy để nâng cao chất lượng các sáng kiến cấp cơ sở và cấp tỉnh, trong thời gian tới cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về mục đích, ý nghĩa và vai trò to lớn của hoạt động sáng kiến trong lao động sản xuất, công tác và đời sống hàng ngày để mỗi người tích cực tìm tòi, sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả trong làm việc, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời đổi mới công tác xét sáng kiến cấp tỉnh theo hướng xét công nhận sáng kiến trước khi xét đề nghị tặng thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh./.
HC