Ông Lâm Minh Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ các chuyên đề thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI của Tổ nghiên cứu 1. ảnh: TB
Trên cơ sở tiếp thu, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với sự nỗ lực và quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện cùng với sự tham gia vào cuộc của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cùng người dân và cộng đồng doanh nghiệp, chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước tiếp tục được nâng lên, công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh có nhiều tiến bộ, Chỉ số CCHC của tỉnh có sự cải thiện. Đặc biệt năm 2022, Chỉ số CCHC của tỉnh đã nâng lên đáng kể trong bảng xếp hạng của cả nước.
Năm 2022, tỉnh Kiên Giang xếp hạng thứ 41/63 tỉnh, thành phố, tăng 22 bậc so với năm 2021 và tăng 20 bậc so với năm 2020; trong đó có 02 lĩnh vực xếp thứ hạng cao so với cả nước: Cải cách tổ chức bộ máy xếp hạng 01/63 tỉnh, thành phố; Cải cách thể chế xếp hạng 05/63 tỉnh, thành phố. Từ đó nâng lên mức độ hài lòng và niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của chính quyền các cấp (Chỉ số SIPAS đứng vị trí thứ 24/63 tỉnh/ thành phố, tăng 34 bậc so với năm 2021).
Kiên Giang đã tổ chức Hội nghị trực tuyến phân tích Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Cải cách hành chính (PAR Index); Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2022 của tỉnh.
Trên cơ sở đó, tỉnh Kiên Giang kịp thời đề ra giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao thứ hạng các chỉ số trong năm 2023. Đó là, thẩm định và công bố kết quả thực hiện công tác CCHC của các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh với 3 đơn vị xếp loại xuất sắc, 21 đơn vị xếp loại tốt, 13 đơn vị xếp loại trung bình.
Bà Lê Hồng Thắm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phod Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc giám sát việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật về công tác CCHC tại Sở Nội vụ. Ảnh: TB
Đến hết tháng 10/2023, UBND tỉnh đã ban hành trên 15 văn bản chỉ đạo, điều hành CCHC năm 2023, đã giao 37 nhiệm vụ cho các sở, ngành liên quan thực hiện công tác CCHC và đã hoàn thành 24/37 nhiệm vụ, đạt 64,86% so với kế hoạch, còn lại 13 nhiệm vụ đang triển khai thực hiện, tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết hơn 119 TTHC, giảm từ 3-5 ngày so với quy định.
Quy trình giải quyết được thường xuyên được cập nhật với việc 100% các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện đã ban hành quy trình giải quyết nội bộ, quy trình điện tử; hoàn thành công bố TTHC toàn trình và một phần; đang tiếp tục rà soát, làm sạch dữ liệu TTHC.
Đặc biệt, hồ sơ giải quyết trước và đúng hẹn đạt tỷ lệ cao.
Người dân và doanh nghiệp nộp hồ sơ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang. Ảnh: TB
Từ ngày 01/01/2013 đến ngày 16/11/2023, đã tiếp nhận 386.797 hồ sơ (tiếp nhận toàn trình 171.091 hồ sơ, một phần 186.404 hồ sơ, còn lại 29.302 hồ sơ; tiếp nhận trực tuyến 196.088 hồ sơ; trực tiếp, dịch vụ bưu chính 190.709 hồ sơ). Đã giải quyết 363.325 hồ sơ (trước hạn 348.505 hồ sơ, đúng hạn 5.508 hồ sơ, trễ hạn 9.312 hồ sơ); hồ sơ đang giải quyết 9.126 hồ sơ (trong hạn 8.312, trễ hạn 814 hồ sơ); xin rút/dừng/hủy 14.346 hồ sơ.
Tỉnh cũng tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Kiên Giang tích hợp, liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia và kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06 của Chính phủ tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Đến nay, đã triển khai đến 100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện, xã; hiện đang cung cấp 1.558 dịch vụ công trực tuyến (trong đó đã cung cấp 100% TTHC đủ điều kiện toàn trình); kết nối thanh toán trực tuyến với 06 ngân hàng: VIETINBANK, AGRIBANK, SHB, BIDV, VIETCOMBANK, VPBANK và các hệ thống thanh toán trực tuyến, ví điện tử như: VNPT Pay, MoMo, Viettel Pay...
Triển khai Văn phòng điện tử với 100% các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn có mạng nội bộ và kết nối internet; thực hiện gửi, nhận và xử lý văn bản, ký số trên môi trường mạng liên thông 3 cấp, kết nối với trục liên thông của Chính phủ.
Đây là điều kiện thuận lợi cho việc chỉ đạo, điều hành thông suốt, nhanh chóng từ tỉnh đến cấp xã trên môi trường mạng. Tăng cường công tác tuyên truyền và phân công công chức hướng dẫn, hỗ trợ người dân, tổ chức nộp hồ sơ, nhất là hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công (ở 3 cấp); qua dịch vụ bưu chính công ích và khi thanh toán trực tuyến.
Quang cảnh lớp bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp huyện và tương đương về công tác cải cách hành chính. Ảnh: TB
Củng cố và kiện toàn Ban Chỉ đạo CCHC ở ba cấp (tỉnh, huyện, xã) và các ngành, trong đó người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương là Trưởng ban chỉ đạo; thực hiện tốt việc giao ban Ban Chỉ đạo CCHC để kịp thời đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện các nhiệm vụ CCHC của tỉnh và của từng ngành, địa phương. Phối hợp với Bộ Nội vụ triển khai các lớp tập huấn CCHC cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra CCHC, gắn với trách nhiệm công vụ, kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC ở các cơ quan, đơn vị, địa phương; nhất là tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đoàn Kiểm tra CCHC năm 2023, kiểm tra kết quả thực hiện công tác CCHC 06 đầu năm 2023 tại UBND huyện Vĩnh Thuận. Ảnh: TB
Tỉnh cũng quyết liệt trong rà soát cắt giảm các quy định, TTHC có liên quan đến người dân như Phiếu lý lịch tư pháp và những thông tin đã được khai thác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; các nhiệm vụ theo Quyết định 933/QĐ-TTg ngày 06/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ và kết luận của Phó Thủ tướng, Tổ trưởng Tổ công tác cải cách TTHC.
Đến ngày 16/10/2023, đã có 186/186 cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh sử dụng CCCD gắn chíp thay cho BHYT để thực hiện tra cứu; thực hiện liên thông khai sinh, khai tử,... (hơn 2.000 trường hợp khai sinh và 209 khai tử được cấp trực tuyến).
Qua triển khai thực hiện quyết liệt công tác CCHC, đã giúp từng ngành, lĩnh vực không chỉ hoàn thành tốt kế hoạch đề ra, mà còn có sự tăng tốc, góp phần cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.