TIN NỔI BẬT:

Cổng thông tin điện tử Sở Nội vụ

Hoạt động cải cách hành chính

Xem với cỡ chữAA

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước của Chính phủ 05 năm giai đoạn 2021-2025

(10:10 | 14/07/2022)

Để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 41-KH/TU ngày 12-01-2022, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước của Chính phủ 05 năm giai đoạn 2021-2025.


Theo Kế hoạch thì tỉnh phải tổ chức thực hiện đạt mục tiêu Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước của Chính phủ, mà trọng tâm là thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 76/NQ-CP, ngày 15/7/2021 của Chính phủ và Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng thời củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số. Nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp, lấy mục tiêu phục vụ nhân dân làm trọng tâm.
 


Ông Lâm Minh Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh (giữa) chủ trì Hội nghị


Đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp cải cách hành chính được xác định trong Nghị quyết số 76/NQ-CP, ngày 15/7/2021 của Chính phủ và Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 với tinh thần quyết liệt, kịp thời, đúng hướng, toàn diện, hiệu quả, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, thông suốt, hiệu quả giữa các cấp, các ngành. Đồng thời xác định công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là một trong ba khâu đột phá của tỉnh từ nay đến năm 2025. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính tới cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người dân để tạo sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính gắn với thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.


Nội dung, mục tiêu cải cách hành chính của tỉnh 05 năm giai đoạn 2021-2025 tập trung vào 6 nội dung gồm: Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính các cấp ở tỉnh; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công và Xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số.


Thứ nhất, về cải cách thể chế. Thực hiện việc thể chế về tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực phát triển đáp ứng yêu cầu; tổ chức thực hiện tốt hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định có liên quan để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phục vụ có hiệu quả việc xây dựng, phát triển Chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số.


Thứ hai, về cải cách thủ tục hành chính. Rà soát kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% số quy định và cắt giảm tối thiểu 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020; 


- Tối thiểu 80% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được luân chuyển trong nội bộ giữa các cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc các cơ quan có liên quan được thực hiện bằng phương thức điện tử.


- Tối thiểu 80% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính, được triển khai thanh toán trực tuyến, trong số đó, tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 30% trở lên.


- Tối thiểu 80% thủ tục hành chính của các ngành, địa phương, có đủ điều kiện, được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4. Trong số đó, ít nhất 80% thủ tục hành chính được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 50%.


- Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90%. Trong đó, mức độ hài lòng về giải quyết các thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư đạt tối thiểu 85%.


- 90% thủ tục hành chính nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước được công bố, công khai và cập nhật kịp thời.


- 80% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công thủ tục hành chính trước đó, mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đang quản lý, hoặc thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ.


Thứ ba, về cải cách bộ máy hành chính các cấp ở tỉnh. Hoàn thành việc sắp xếp thu gọn các đơn vị hành chính cấp xã và ấp, khu phố theo tiêu chuẩn quy định của Trung ương.


- Giảm tối thiểu bình quân cả tỉnh 10% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021.


- Mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt tối thiểu 90%. Mức độ hài lòng của người dân về cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục công lập đạt tối thiểu 85%.


Thứ tư, về cải cách chế độ công vụ. Xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có cơ cấu hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định. Đảm bảo 100% cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn theo quy định.


Thứ năm, về cải cách tài chính công. Có tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ kinh phí chi thường xuyên; thực hiện chuyển đổi 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác đáp ứng đủ điều kiện, chuyển đổi thành công ty cổ phần.


Thứ sáu, về xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số.


- 100% cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của tỉnh được kết nối qua trục kết nối, chia sẻ dữ liệu tỉnh (LGSP) và kết nối với trục kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) tạo nền tảng xây dựng và phát triển Chính quyền số.


- Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% giao dịch trên các Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử các cấp được xác thực điện tử.


- Triển khai nhân rộng hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện: 100% cấp tỉnh, huyện thực hiện họp thông qua hệ thống tại các cuộc họp của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân.


- 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc nội dung bí mật nhà nước)./.

Tin và ảnh: Thanh Bình - CCHC