Ngày 18/3/2021, Ban Chỉ đao cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 và định hướng giai đoạn 2021-2030.
Qua 10 tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 đạt được kết quả như sau:

Ông Nguyễn Đức Chín, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Kiên Giang
Thứ nhất, cải cách thể chế, thể chế về tổ chức bộ máy của hệ thống hành chính, về mối quan hệ giữa Nhà nước với người dân tiếp tục được hoàn thiện, đổi mới. Đã đề cao các quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân tại các đạo luật trên các lĩnh vực từ dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Tổng số văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) mà các bộ đã ban hành từ năm 2012 đến nay là hơn 8.600 văn bản. Chính quyền địa phương các cấp cũng đã chú trọng việc ban hành và tổ chức thực hiện các VBQPPL theo thẩm quyền, mỗi năm ban hành hàng ngàn quyết định để cụ thể hoá các văn bản của trung ương cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương (từ năm 2011 đến tháng 5/2020, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành khoảng 385.826 VBQPPL, đồng thời đã triển khai Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành và lĩnh vực trọng tâm của bộ, ngành và địa phương. Công tác rà soát, kiểm tra VBQPPL theo thẩm quyền cũng được chú trọng thực hiện. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được đổi mới với nhiều hình thức đa dạng đã gắn kết chặt chẽ hơn với công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật và thực hiện chức năng quản lý nhà nước của bộ, ngành, địa phương. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật hàng năm được các bộ, ngành, địa phương triển khai theo kế hoạch, với trọng tâm tập trung vào những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước, liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp.
Thứ hai, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được xác định là một khâu trọng tâm, đột phá và đã được triển khai mạnh mẽ ở tất cả các cấp hành chính theo hướng đơn giản hoá, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích chính đáng và quyền làm chủ của Nhân dân. Việc triển khai thực thi phương án đơn giản hóa TTHC; việc cắt giảm điều kiện kinh doanh và hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa dòng hàng đạt được nhiều kết quả tích cực. Đã bước đầu đạt được một số kết quả trong thực hiện Đề án Tổng thể đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020.
Những quy định về kiểm soát TTHC cơ bản được hoàn thiện. TTHC được các bộ, ngành, địa phương từng bước chuẩn hóa, công bố, niêm yết, công khai tại nơi tiếp nhận, giải quyết TTHC, công khai trên Cổng thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương và trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, giúp cá nhân, tổ chức truy cập tìm hiểu, thực hiện thuận tiện, chính xác. Cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, Trung tâm Phục vụ hành chính công và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung cấp tỉnh, cấp huyện đã được triển khai ở các địa phương với nhiều đổi mới về phương thức hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo sự chuyển biến rõ nét trong giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp. Các nội dung gắn kết đồng bộ giữa cải cách TTHC và xây dựng Chính phủ điện tử cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận với cơ quan hành chính nhà nước. Việc triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích theo Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ cũng đạt được những kết quả tích cực. Năm 2019, cả nước có 14.505.494 lượt hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC thực hiện qua dịch vụ BCCI, trong đó, dịch vụ tiếp nhận hồ sơ là 2.175.824 lượt, dịch vụ trả kết quả là 12.329.670 lượt, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, tổ chức, tạo tiền đề thúc đẩy triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.

Đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, đoàn thể cấp tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh
Thứ ba, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL)” đã đạt được những kết quả quan trọng. Đến nay, tại các bộ, cơ quan ngang bộ (không tính Bộ Quốc phòng và Bộ Công an) đã giảm 12 vụ và tương đương. Tại các tỉnh, thành phố giảm 05 tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 973 tổ chức cấp phòng; 127 tổ chức cấp chi cục; 1.179 tổ chức cấp phòng thuộc chi cục; ở cấp huyện giảm 294 tổ chức cấp cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện. So sánh thời điểm 29/02/2020 với năm 2017 và năm 2015 cho thấy số lượng ĐVSNCL thuộc các bộ, ngành là 1.045 đơn vị, giảm 44 đơn vị so với năm 2017 và giảm 53 đơn vị so với năm 2015. Trong khi đó, số lượng ĐVSNCL thuộc các địa phương là 49.445 đơn vị, giảm 4.670 đơn vị so với năm 2017 và giảm 6.189 đơn vị so với năm 2015. Trong tổng số ĐVSNCL của cả nước, có 12.267 ĐVSNCL tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; 2.494 ĐVSNCL tự bảo đảm chi thường xuyên và 253 ĐVSNCL tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư. Như vậy, tính đến 29/2/2020 kết quả sắp xếp tổ chức lại các ĐVSNCL của các bộ ngành, địa phương trong cả nước đã giảm 11% so với năm 2015, đạt được mục tiêu của Nghị quyết đến năm 2021 tối thiểu bình quân cả nước giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, mới chỉ có các địa phương đạt mục tiêu của Nghị quyết (giảm được 11,12% ĐVSNCL so với năm 2015), còn các bộ ngành mới giảm 5,19% ĐVSNCL so với năm 2015.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH của UBTVQH cơ bản đã hoàn thành: Ở cấp huyện, đã tiến hành sắp xếp đối với 21 đơn vị hành chính cấp huyện, giảm 08 đơn vị. Đối với cấp xã, đã tiến hành sắp xếp đối với 1.047 đơn vị, giảm 557 đơn vị.
Về biên chế công chức (tính đến 31/3/2020): Các bộ ngành Trung ương giảmm10.284 người so với số giao năm 2015; các địa phương giảm 13.612 người so với số giao năm 2015.
Thứ tư, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trong giai đoạn 2011 - 2020, các quy định về cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục được hoàn thiện đồng bộ trên tất cả các khâu từ tuyển dụng, sử dụng, bố trí, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch, thăng hạng. Đến 31/12/2017, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành 59 Nghị định và ban hành theo thẩm quyền 92 thông tư và thông tư liên tịch trong lĩnh vực quản lý cán bộ, công chức viên chức triển khai thực hiện Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 18/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức”. Đồng thời, đã có nhiều văn bản được ban hành nhằm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện, bố trí công chức đảm bảo theo vị trí việc làm và tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức tương ứng với bản mô tả công việc, khung năng lực của từng vị trí. Một số nội dung cải cách, đổi mới bước đầu đạt kết quả, như: việc thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý; việc tuyển dụng công chức có ứng dụng công nghệ thông tin; việc thu hút những người có tài năng vào làm việc trong các cơ quan nhà nước. Việc áp dụng công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm quản lý cán bộ, công chức được thực hiện tại nhiều bộ, ngành và địa phương và bước đầu hình thành cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức.
Công chức cấp xã: Năm 2015, tổng số cán bộ, công chức cấp xã có 234.061 người, bình quân 21 người/xã (trong đó: cán bộ cấp xã có 116.043 người, công chức cấp xã có 118.018 người). Đến tháng 4/2020, tổng số cán bộ, công chức cấp xã có 234.617 người, bình quân 21 người/xã (cán bộ cấp xã có 113.672 người, công chức cấp xã có 120.945 người).
Cải cách chính sách tiền lương đã được quan tâm, từ năm 2011 đến nay, Chính phủ đã từng bước điều chỉnh mức lương cơ sở đối với khu vực hưởng lương ngân sách phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước từ 730.000đ/tháng (năm 2011) lên 1.490.000đ/tháng (năm 2019). Từ năm 2007, quan điểm của Đảng về chính sách bảo hiểm xã hội chính thức được luật hóa bằng Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006. Kết quả thực hiện chính sách người có công: Đến nay cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công với cách mạng; trong đó, số người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng gần 1,4 triệu người và khoảng 300.000 thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng với tổng kinh phí khoảng 30.000 tỷ đồng/năm.
Thứ năm, cải cách tài chính công. Các cơ chế, chính sách về quản lý tài chính doanh nghiệp và sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước đã được ban hành đầy đủ, đồng bộ và được điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và tình hình thị trường, thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm ngăn chặn thất thoát vốn, tài sản nhà nước, tạo minh bạch trong công tác quản lý tài chính doanh nghiệp nhà nước. Các thể chế, chính sách pháp luật trong lĩnh vực quản lý nợ công cũng đã được hoàn thiện và đổi mới, từng bước tiếp cận các thông lệ quốc tế.
Thực hiện đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) đạt được nhiều kết quả tích cực. Các bộ, ngành (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Thông tấn xã Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam), từ năm 2011 đến tháng 3/2020, số lượng các ĐVSNCL tự chủ ngày càng tăng, từ 449 đơn vị năm 2011 lên 761 đơn vị năm 2015, 816 đơn vị năm 2017 và 848 đơn vị tháng 3/2020. số lượng ĐVSNCL tự chủ của các bộ, ngành năm 2020 so với năm 2015 thì ĐVSNCL tự bảo đảm chi thường xuyên tăng hơn 66 đơn vị, trong khi đó, ĐVSNCL tự bảo đảm một phần chi thường xuyên tăng hơn 33 đơn vị ở năm 2020 so với năm 2015. Số lượng ĐVSNCL do nhà nước bảo đảm chi thường xuyên giảm 33 đơn vị ở năm 2020 so với năm 2015. Ở địa phương, theo số liệu tại báo cáo tổng kết của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy, năm 2011 số lượng ĐVSNCL tự chủ là 30.736 đơn vị; đến năm 2015 là 31.138 đơn vị; năm 2017 là 33.324 đơn vị và đến tháng 3/2020 là 32.066(86) đơn vị. Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập theo Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005 và một số văn bản khác của Chính phủ đạt được nhiều kết quả tích cực.
Thứ sáu, hiện đại hóa hành chính. Cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) cho người dân và doanh nghiệp; triển khai các hệ thống một cửa điện tử đạt những kết quả đáng ghi nhận. Tính đến qúy II năm 2020, số DVCTT mức 3 cả nước là 38.833; DVCTT mức 4 cả nước là 17.959 dịch vụ. Tỷ lệ trung bình hồ sơ giải quyết qua hệ thống một cửa điện tử tại các tỉnh, thành phố từ năm 2015 đến tháng 3/2020 là 84,44%. Trong khi đó, tỷ lệ trung bình từ 2015 đến tháng 03/2020 của các bộ là 35,85%, tuy nhiên, ở năm 2019, tỷ lệ này là 52,6%.
Trục liên thông văn bản quốc gia, kết nối liên thông để phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa 95/95 cơ quan nhà nước từ trung ương và 63 địa phương; trong đó, 94/94 bộ, ngành, địa phương, cơ quan đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử đối với 3 cấp chính quyền; có hơn 3,5 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận (từ ngày 02/3/2019 đến tháng 11 năm 2020). Việc gửi nhận văn bản điện tử giúp tiết kiệm chi phí xã hội vào khoảng trên 1.200 tỷ đồng/năm. Cổng dịch vụ công quốc gia; hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (Hệ thống e-cabinet); Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia; Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chính thức được đưa vào sử dụng, góp phần đổi mới phương thức làm việc của Chính phủ theo hướng hiện đại, trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin.
Các bộ, ngành và địa phương đã tăng cường áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động quản lý nhà nước nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính công khai, minh bạch trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức trong hệ thống bộ máy hành chính nhà nước. Một số bộ, ngành đã công bố Mô hình khung hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 cho các cơ quan, tổ chức theo hệ thống ngành dọc trực thuộc.
Tuy nhiên, cải cách thể chế vẫn còn những bất cập, hạn chế. Vẫn còn văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái luật. Tình trạng nợ đọng văn bản, mặc dù có xu hướng giảm, nhưng chưa bền vững; cải cách TTHC vẫn chưa thực sự là động lực mạnh mẽ cho cải thiện môi trường kinh doanh. Cắt giảm TTHC ở những lĩnh vực mà người dân, doanh nghiệp ít cần được giải quyết. Tính liên thông trong cải cách TTHC chưa cao; tổ chức bộ máy hành chính còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc. Việc sắp xếp tổ chức chưa gắn kết với việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có nơi chưa đồng đều, thậm chí còn yếu; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực. Công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức vẫn là khâu yếu. Công tác quản lý cán bộ ở một số cơ quan, đơn vị còn chưa nghiêm, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật, còn có sai phạm; cải cách tài chính công còn nhiều hạn chế. Việc sử dụng ngân sách và vốn đầu tư công còn lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả. Việc đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính đối với các ĐVSNCL còn chậm; chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL trên một số lĩnh vực chưa cao; việc xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, xã hội số còn chưa đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương. Việc hình thành các hệ thống dữ liệu dùng chung chưa đầy đủ; việc kết nối, liên thông giữa các phần mềm quản lý chuyên ngành, dữ liệu dùng chung của các cơ quan, đơn vị còn khó khăn, gây cản trở cho công tác quản lý và giải quyết công việc cho người dân, tổ chức. Hiệu quả cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4 cho người dân, tổ chức còn thấp./.