TIN NỔI BẬT:

Cổng thông tin điện tử Sở Nội vụ

Lịch sử hình thành

Xem với cỡ chữAA

Lịch sử hình thành

(15:11 | 04/01/2018)

 

Bộ Nội vụ đã được thành lập trong cơ cấu Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu và đồng chí Võ Nguyên Giáp được cử làm Bộ trưởng đầu tiên. Ngày 28/8/1945 đánh dấu sự ra đời của Bộ Nội vụ và ngày 28 tháng 8 hàng năm đã trở thành “Ngày truyền thống của ngành Tổ chức Nhà nước” .

Ngày 02/3/1946, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá I, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Quốc hội đã bầu ra Chính phủ để lãnh đạo nhân dân thực hiện xây dựng đất nước và đấu tranh giữ vững nền độc lập còn non trẻ. Từ những năm 1950, chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của Bộ tập trung vào lĩnh vực tổ chức nhà nước, công tác cán bộ, xây dựng chính quyền, quản lý việc lập Hội và các vấn đề tôn giáo. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954, Bộ Nội vụ đã nhanh chóng bắt tay vào việc xây dựng bộ máy chính quyền, tổ chức tiếp quản các vùng mới được giải phóng, xây dựng chế độ tiền lương, điều chỉnh biên chế, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương; điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban quân chính và Uỷ ban kháng chiến, bảo đảm điều kiện để bộ máy nhà nước quản lý, điều hành, góp phần khôi phục phát triển kinh tế xã hội.

Những năm 1960-1970, trên cơ sở Hiến pháp năm 1959 và Nghị quyết của Quốc hội, vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Nội vụ được quy định lại: Bộ Nội vụ là cơ quan của Hội đồng Chính phủ có trách nhiệm quản lý công tác tổ chức nhà nước và dân chính theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo đảm hoàn thành công tác xây dựng, kiện toàn bộ máy nhà nước và công tác dân chính. Trong thời gian này, tổ chức bộ máy của Bộ Nội vụ cũng như ngành TCNN có những thay đổi và phát triển đáng kể. Năm 1970, theo Quyết định số 40/CP ngày 26/02/1970 của Hội đồng Chính phủ, các chức năng, nhiệm vụ công tác TCNN được chuyển từ Bộ Nội vụ về Phủ Thủ tướng.

Ngày 20/02/1973, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 29/CP lập Ban Tổ chức của Chính phủ để thực hiện nhiệm vụ giúp Chính phủ quản lý công tác tổ chức theo đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng, kiện toàn bộ máy Nhà nước trong điều kiện, tình hình nhiệm vụ mới. Ban Tổ chức của Chính phủ được đảm nhiệm là cơ quan đầu mối của Chính phủ trong lĩnh vực tổ chức nhà nước.

Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, ngày 30/4/1975, đất nước thống nhất, Ban Tổ chức của Chính phủ đã thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho Đảng, Chính phủ về tổ chức bộ máy, công chức, công vụ của Nhà nước thống nhất, góp phần đẩy nhanh quá trình khôi phục và phát triển đất nước sau chiến tranh.

Từ những năm 1980, do yêu cầu nhiệm vụ mới, Ban Tổ chức của Chính phủ được tách ra thành một cơ quan hoạt động độc lập. Hoạt động của Ban được tăng cường và hướng vào xây dựng cơ cấu Hội đồng Chính phủ; bộ máy Uỷ ban nhân dân (UBND) và các cơ quan chuyên môn của tỉnh, thành phố; tinh giản bộ máy hành chính; xây dựng cấp huyện và bộ máy chính quyền cơ sở, phục vụ nhiệm vụ chính trị xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) trong tình hình mới.

Ngày 07/5/1990, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 135/HĐBT quy định tên gọi, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ. Ngày 30/9/1992, Nghị quyết kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá IX đã quyết định Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ là cơ quan ngang Bộ. Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 181 ngày 09/11/1994 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ: quản lý nhà nước về tổ chức bộ máy, công chức, viên chức; lập Hội quần chúng và tổ chức phi Chính phủ; phân vạch địa giới hành chính và công tác lưu trữ tài liệu quốc gia và quy định hệ thống tổ chức của ngành Tổ chức nhà nước ở Trung ương và địa phương.

Với những đóng góp to lớn của ngành Tổ chức nhà nước đối với đất nước, ngày 17/4/2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 279/QĐ-TTg, theo đó Thủ tướng cho phép lấy ngày 28/8 hàng năm làm “Ngày truyền thống ngành Tổ chức nhà nước”

Tại kỳ họp thứ nhất, ngày 05/8/2002, Quốc Hội khoá XI, Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ đã được Quốc hội đổi tên thành Bộ Nội vụ. Sau đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 45 ngày 09/5/2003 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ Nội vụ. Ngày 17/4/2008, Chính phủ ban hành nghị định số 48 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ (thay thế Nghị định số 45 của Chính phủ). Ngày 13/8/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1471/QĐ-TTg về việc thành lập Vụ Công tác thanh niên trực thuộc Bộ Nội vụ để giúp Bộ Nội vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh niên.

Ngày 16/6/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2014/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ (thay thế Nghị định số 48). Bộ Nội vụ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực: Tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương, địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; đào tạo, bồi dưỡng về chuyên ngành hành chính và quản lý nhà nước; hội, tổ chức phi chính phủ; thi đua, khen thưởng; tôn giáo; văn thư, lưu trữ nhà nước; thanh niên và quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật.

Đối với tỉnh ta cách đây 40 năm, vào ngày 28/6/1977 Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ký Quyết định số 237/QĐ - UB thành lập Ban Tổ chức Uỷ ban sau đó đổi tên thành Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Kiên Giang. Ngày 30 tháng 12 năm 2003, UBND tỉnh quyết định đổi tên Ban Tổ chức chính quyền thành Sở Nội vụ.